Phùng Hưng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bố Cái Đại Vương
布盖大王
Vua Việt Nam
Tượng đồng Phùng Hưng tại đền thờ Cam Lâm.
Vua Việt Nam thời Bắc thuộc
Ở ngôi770789[1]/791/802
Tiền nhiệm Không có
(Bạch Đầu Đế họ Mai)
Kế nhiệmPhùng An
Thông tin chung
Sinh1 tháng 10, 746/759
Mất31 tháng 12, 789 / 10 tháng 8, 791 / 12 tháng 11,802 (41/30 hoặc 43/31 hoặc 44/43 hoặc 56 tuổi)
Việt Nam
An táng30 tháng 3, 804
Giảng Võ, Ba Đình ngày nay
Hậu duệPhùng An
Thụy hiệu
Bố Cái Phu Hựu Chương Tín Sùng Nghĩa Đại vương (布盖孚祐彰信崇義大王)
Gọi tắt: Bố Cái Đại vương (布盖大王)
Thân phụPhùng Hạp Khanh
Thân mẫuSử Thục Nương

Phùng Hưng (chữ Hán: 馮興; 746-789[1]/791[2]/802), là lãnh tụ một cuộc nổi dậy chống lại sự đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ ba (602905) trong lịch sử Việt Nam.

Nguồn gốc tôn hiệu[sửa | sửa mã nguồn]

Tôn hiệu phổ biến của Phùng Hưng, Bố Cái Đại Vương (布盖大王), được coi là một trong những trường hợp sử dụng chữ Nôm bản địa cổ nhất hiện còn lưu truyền.[3] Việt điện u linh tập (1329) giải nghĩa hai chữ Bố Cái (布盖) là "bố mẹ," vì quốc tục mà đặt vậy. Các bộ chính sử hậu thế như Đại Việt sử ký toàn thư (1697) đời Hậu LêKhâm định Việt sử Thông giám cương mục (1859) đời Nguyễn đều trích cổ sử mà khẳng định điều tương tự. Trong Việt-Nam cổ văn học sử (1970), tác giả Nguyễn Đổng Chi cũng nhận thấy sự tương đồng giữa danh hiệu trên và những từ chỉ đấng sinh thành trong tiếng Mường Lào như "bọ" và "cày".[4]

Tuy nhiên, tồn tại một luồng ý kiến trái chiều tới từ một số nhà ngôn ngữ học (tiêu biểu gồm có A.G. HaudricourtMei Tsu-Lin) cho rằng hai chữ kia đáng ra phải được hiểu là "bua/vua lớn" dựa trên bằng chứng ngữ âm tiếng Hán lịch sử.[5][6] Năm 1994, Nguyễn Tài Cẩn phản bác giả thuyết này trong một bài báo ngôn ngữ học viết bằng tiếng Nga và đọc trước một hội nghị khoa học tại Sankt-Peterburg. Theo đó, hai luận điểm chính mà ông đưa ra là: (1) giải nghĩa "cái" là "lớn" ở đây không thích hợp về mặt ngữ nghĩa, bởi lẽ từ này thường được dùng cho các vật bất động có thế đối lập nghĩa "lớn-nhỏ, mẹ-con"; và (2) "bố mẹ" hoàn toàn có thể mang nghĩa bóng "thủ lĩnh, nhà lãnh đạo" mà không cần phải lập luận chữ 布 từng được đọc như "bua/vua", sở dĩ vì hiện tượng lấy danh từ người bề trên để chỉ thủ lĩnh xuất hiện rất phổ biến trong các ngôn ngữ ở Đông Dương.[6]

Sử liệu[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Đường Thư[sửa | sửa mã nguồn]

Quốc sử quán triều Nguyễn khi soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục đã tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, trong đó có ghi chú: “Xét Đường thư, bản kỷ, đời Đức Tông, năm Trinh Nguyên thứ 7 (năm 791), chỉ chép rằng tù trưởng An Nam là Đỗ Anh Hàn làm phản, chứ không chép việc Phùng Hưng”.

  • Cựu Đường thư do Lưu Hú soạn từ năm 941 đến năm 945 chép: “Mùa hạ, tháng 4 (lược 1 đoạn) Kỷ Mùi, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản, tấn công đô hộ phủ. Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng mà chết”.
  • Tân Đường thư do Âu Dương Tu soạn từ năm 1044 đến năm 1054 chép: “Tháng 4, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản. Giết”.
  • Tân Đường thư, Truyện Triệu Xương chép: “Triệu Xương tự là Hồng Tộ, người Thiên Vĩnh. Ban đầu làm liệu thuộc cho Chiêu Nghĩa Lý Thừa Chiêu Tiết độ sứ, dần được thăng làm Kiền châu Thứ sử. An nam tù lão Đỗ Anh Hàn làm phản, Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng chuyện đó mà chết. Thăng Triệu Xương làm An Nam Đô hộ. Các bộ lạc Di đều quay về với triều đình, không dám nổi dậy nữa”.
  • Tư trị thông giám do Tư Mã Quang soạn hoàn thành năm 1084 chép: “An Nam Đô hộ Cao Chính Bình đánh thuế nặng. Mùa hạ tháng 4, bọn Quần Man tù trưởng Đỗ Anh Hàn khởi binh vây đô hộ phủ. Chính Bình lo lắng mà chết. Quần Man nghe tin đó đều hàng”.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Thiếu thời[sửa | sửa mã nguồn]

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư: Phùng Hưng là người ở làng Đường Lâm, thuộc Giao Châu. Ông vốn con nhà hào phú, có sức vật trâu, đánh hổ.[7] Chuyện kể rằng ông đã từng đánh chết một con hổ có thể quặp hai con trâu mộng mà vẫn chạy như thường,trừ được hoạ cho làng Đường Lâm.

Theo sách Việt điện u linh: Phùng Hưng là Thế Tập Biên Khố Di Tù Trưởng châu Đường Lâm, hiệu là Quan Lang. Phùng Hưng xuất thân gia tư hào hữu, sức lực dũng mãnh, đánh được hổ, vật được trâu. Người em tên Hải cũng có sức mạnh kì dị.[8]

Theo sách Việt sử tiêu án: Phùng Hưng quê ở làng Đường Lâm thuộc Phong Châu, con nhà hào phú, có sức vật trâu đánh hổ.[9][10]

Cho tới nay ngày sinh của ông vẫn chưa rõ. Các sách chính sử như Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục ghi ông mất năm 802, chỉ một thời gian ngắn sau khi đuổi được giặc phương Bắc. Một nguồn dã sử cho biết ông sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 1 năm 761) và mất ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 13 tháng 9 năm 802), thọ 41 tuổi.

Phùng Hưng vốn là cháu bảy đời của Phùng Trí Cái – người đã từng vào trong cung vua Đường Cao Tổ thời niên hiệu Vũ Đức (618–626) dự yến tiệc và làm Quan lang ở đất Đường Lâm. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh, một người hiền tài đức độ.

Khoảng năm Nhâm Tuất (722) đời Đường Huyền Tông niên hiệu Khai Nguyên, Phùng Hạp Khanh đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (tức Mai Hắc Đế). Sau đó, ông trở về quê chăm chú công việc điền viên, trở nên giàu có, trong nhà nuôi nô tỳ có đến hàng nghìn người[11].

Theo sự tích, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh một lần được ba người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể kéo trâu, quật hổ. Anh cả là Phùng Hưng, em thứ hai là Phùng Hải (tự là Tư Hào) và em út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Đến năm ba anh em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất. Trong ba anh em, anh cả Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt.

Dấy nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Loạt bài
Lịch sử Việt Nam
Bản đồ Việt Nam

Thời tiền sử

Hồng Bàng

An Dương Vương

Bắc thuộc lần I (207 TCN – 40)
   Nhà Triệu (207 – 111 TCN)
Hai Bà Trưng (40 – 43)
Bắc thuộc lần II (43 – 541)
   Khởi nghĩa Bà Triệu
Nhà Tiền LýTriệu Việt Vương (541 – 602)
Bắc thuộc lần III (602 – 905)
   Mai Hắc Đế
   Phùng Hưng
Tự chủ (905 – 938)
   Họ Khúc
   Dương Đình Nghệ
   Kiều Công Tiễn
Nhà Ngô (938 – 967)
   Loạn 12 sứ quân
Nhà Đinh (968 – 980)
Nhà Tiền Lê (980 – 1009)
Nhà Lý (1009 – 1225)
Nhà Trần (1225 – 1400)
Nhà Hồ (1400 – 1407)
Bắc thuộc lần IV (1407 – 1427)
   Nhà Hậu Trần
   Khởi nghĩa Lam Sơn
Nhà Hậu Lê
   Nhà Lê sơ (1428 – 1527)
Nhà Lê trung hưng
(1533 – 1789)
Nhà Mạc (1527 – 1592)
TrịnhNguyễn
phân tranh
Nhà Tây Sơn (1778 – 1802)
Nhà Nguyễn (1802 – 1945)
   Pháp thuộc (1887 – 1945)
   Đế quốc Việt Nam (1945)
Chiến tranh Đông Dương (1945 – 1975)
   Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
   Quốc gia Việt Nam
   Việt Nam Cộng hòa
   Cộng hòa Miền Nam Việt Nam
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (từ 1976)

Xem thêm

sửa

Phùng Hưng nối nghiệp cha và đã trở thành Hào trưởng đất Đường Lâm. Cho tới nay dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện ông dùng mưu kế giết hổ dữ mang lại bình yên cho làng xóm.

Việt Nam thời thuộc Đường gọi là An Nam đô hộ phủ, khi đó đang nằm dưới ách cai trị hà khắc của bọn quan đô hộ. Các quan đô hộ nhà Đường ra sức vơ vét của cải của người dân Việt Nam, bắt người dân Việt phải đóng sưu cao thuế nặng khiến lòng người ngày càng căm phẫn.

Cao Chính Bình, Hiệu úy châu Vũ Định (miền Việt Bắc) giúp Kinh lược sứ An NamTrương Bá Nghi đánh bại được cuộc xâm lược của quân Chà Và (Java) ở Chu Diên, sau đó được cử làm đô hộ An Nam. Chính Bình ra sức vơ vét của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng.

Sách Việt điện u linh chép rằng: Giữa niên hiệu Đại lịch nhà Đường (766–779), nhân An Nam có loạn, anh em Phùng Hưng đem quân đi tuần các ấp lân cận, đánh đâu được đấy. Phùng Hưng đổi tên là Cự Lão hiệu là Đô Quân, Hải cũng đổi tên là Cự Lực, hiệu là Đô Bảo. Phùng Hưng dùng kế của người Đường LâmĐỗ Anh Hàn đem binh tuần hành mấy châu Đường Lâm, Trường Phong tất cả đều quy thuận, uy danh chấn động, muốn đánh lấy Đô hộ phủ.[8]

Đại Việt Sử Ký toàn thư ghi chép, Phùng Hưng đem quân đánh với Cao Chính Bình, lâu ngày không thắng được. Phùng Hưng dùng kế của Đỗ Anh Hàn, đặt đại bản doanh ở làng Triều Khúc, Thanh Trì đem quân vây phủ.[7]

Phần lớn các truyền thuyết đều kể rằng: Phùng Hưng nhận thấy lực lượng chưa thật đủ mạnh để đánh bại quân địch, ông đã cùng các tướng tỏa đi xung quanh chiêu mộ thêm binh lính và sắm thêm vũ khí, còn việc vây thành được giao cho ba người cháu gái họ Phùng, gọi Phùng Hưng bằng bác[12].

Quan Đô hộ Cao Chính Bình đem binh ra đánh, không hơn được, ưu phẫn phát bệnh vàng da rồi chết.[8] Theo sử sách thì Cao Chính Bình cai trị An Nam từ 790 đến 791.

Theo Việt điện u linh, Phùng Hưng vào Đô hộ phủ trị vì bảy năm rồi mất.[8] Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Hưng nhân đó vào đóng ở phủ trị, chưa được bao lâu thì chết. Theo Việt sử tiêu án: Ông Hưng cùng với em là Hải, xuất phục được các làng ấp ở chung quanh, tự hiệu là Đô Quân, Hải là Đô Bảo, dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn, đem quân vây phủ, Chính Bình lo phẫn mà chết, ông Hưng vào ở trong phủ, cho Hải làm Thái úy, rồi ông mất. Dân chúng lập con Hưng là An làm Đô Phủ Quân.

Tạ thế[sửa | sửa mã nguồn]

Lăng Phùng Hưng (Phùng đại vương lăng, 馮大王陵) ở Ngõ 2 phố Giảng Võ phường Giảng Võ quận Ba Đình thành phố Hà Nội.

Chính sử chép rằng ông cầm quyền cai trị không lâu sau đó đã qua đời ngay trong năm 791. Các sử gia hiện nay xác định ông mất khoảng tháng 5 năm 791[13].

Nguồn dã sử Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên và giai thoại dân gian cho rằng: ông cầm quyền được bảy năm, nhưng lại mất năm 802[14]. Thông tin này không phù hợp về logic: Năm 791 giành được Tống Bình mà mất năm 802, tức là Phùng Hưng cầm quyền trong 11 năm chứ không phải bảy năm. GS Nguyễn Khắc Thuần cho rằng Lý Tế Xuyên và truyền thuyết dân gian đã có sự lầm lẫn: hơn bảy năm là thời gian tính từ khi Phùng Hưng làm chủ khu vực quanh Đường Lâm tới khi ông mất, chứ không phải tính từ khi ông làm chủ Tống Bình[15].

Theo sách Việt sử tiêu án: Ông Hưng đồng lòng với dân chúng, lập em là Hải. Bồ Phá Lặc có sức khỏe đẩy được núi, không chịu theo Hải, lánh ở động Chu Nham. Bồ Phá Lặc lập An là con ông Hưng. An tôn cha là Hưng làm Bố Cái Đại Vương (tục gọi cha mẹ là Bố Cái), dân Thổ cho là linh dị, lập đền thờ ở phía tây đô phủ để thờ Hưng.

Theo sách Việt điện u linh, con của Phùng Hưng là Phùng An khi lên ngôi tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương, bởi quốc tục xưng cha là Bố, mẹ là Cái, nên mới gọi như vậy.

Di sản[sửa | sửa mã nguồn]

Phùng Hưng đồng lòng với dân chúng, lập em là Hải kế vị. Bồ Phá Lặc có sức khỏe đẩy được núi, không chịu theo Hải, lánh ở động Chu Nham. Bồ Phá Lặc lập Phùng An, con của Phùng Hưng. Phùng An tôn cha làm Bố Cái Đại Vương.[9]

Nhà Đường cho Lý Phục làm Tiết độ sứ Lĩnh Nam, khi Lý Phục đã đến nơi, người An Nam đều yên lặng. Nhà Đường cho Triệu Xương làm Đô hộ. Xương đến nơi, sai sứ dụ Phùng An. Phùng An đem quân đầu hàng.[9]

Sách Việt điện u linh chép: Phùng Hưng chết rồi, phụ tá đầu mục là Bồ Phá Lặc, sức có thể bài sơn cử đỉnh, dũng lực tuyệt luân, có ý không theo lập con Phùng Hưng là Phùng An, đem quân chống Phùng Hải. Phùng Hải tránh Bồ Phá Lặc, dời qua ở động Chu Nham, sau không biết ra sao nữa.[8]

Phùng An kế vị được hai năm, vua Đường Đức Tông phong Triệu Xương sang làm An Nam đô hộ. Triệu Xương đến nơi, sai sứ đem nghi vật dụ Phùng An; Phùng An sửa sang nghi vệ, đem quân nghênh hàng Triệu Xương, các thân thuộc họ Phùng giải tán hết.[8]

Nguyên quán[sửa | sửa mã nguồn]

Đại Việt sử ký toàn thư chỉ ghi quê Ngô Quyền và Phùng Hưng là Đường Lâm, không chú thích cụ thể. Trong khi Việt điện u linhLĩnh nam chích quái viết thời Trần cho thấy nhiều mối liên hệ về Đường Lâm như: sông Phúc Lộc[16] (tức Phúc Thọ), gần Đỗ Động[17] (tức Quốc Oai, Thanh Oai) và gần Phong châu[18] (tức Vĩnh Tường, Việt Trì). Còn sử liệu Trung Quốc cho biết Đường Lâm được lập dưới thời Đường với những điểm chính:[19][20][21][22][23][24]

  1. Do Thứ sử Trí châu thu phục thêm dân gần Côn Minh, Bắc Lâu (tức tây bắc Việt Nam và Vân Nam, Trung Quốc) lập nên.
  2. Ở gần Trường châu (tức Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa) và dân ta nổi dậy chiếm lấy, nên hai châu cùng bị bỏ.
  3. Phong tục giống Ái châu (tức Thanh Hóa) và đi mất hai ngày tới Hoan châu (tức Nghệ An).

Hiện có bốn luồng ý kiến tranh luận về Đường Lâm là:

  1. Châu Ái (tức Thanh Hóa) do Lê Tắc viết ở Trung Quốc vào thế kỷ 14.[25] Hiện không có bất kỳ di tích hay chuyện kể nào liên quan tới Ngô Quyền dù ông là con rể vùng này.
  2. Mỹ Lương và Hoài An (tức vùng núi Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Lương Sơn, Kim Bôi; nằm giữa Hà NộiHòa Bình) thời Trần là huyện Đại Đường;[26] do Ngô Thì SĩPhan Huy Chú xác định vào thế kỷ 18. Hiện có nhiều đền thờ Ngô Quyền và Phùng Hưng; đặc biệt có hai làng hiếm hoi còn thờ Ngô Xương Xí và nhận nơi đây cũng là Bình Kiều.[a]
  3. Phúc Thọ (tức Sơn Tây, Hà Nội) do Nguyễn Văn Siêu[27]Quốc sử quán triều Nguyễn soạn vào thế kỷ 19. Hiện nơi này được công nhận rộng rãi, có nhiều đền Phùng Hưng và lăng mộ Ngô Quyền.
  4. Phía tây nam Hà Tĩnh, do Đào Duy Anh[28] viết vào thế kỷ 20. Hiện cũng không có dấu vết gì liên quan tới Phùng Hưng và Ngô Quyền, dù nơi đây vẫn có những câu chuyện lưu truyền về thân thế Mai Hắc Đế hay tuổi thơ Đinh Bộ Lĩnh.

Các công trình gắn liền với tên tuổi của Phùng Hưng[sửa | sửa mã nguồn]

Bàn thờ Phùng Hưng (nơi đặt linh vị của ông) tại đền thờ ở thôn Mông Phụ, Đường Lâm.

Lăng mộ Phùng Hưng ngày nay nằm ở ngõ 2 đầu phố Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội (tọa độ 21.031301 vĩ độ bắc, 105.829059 kinh độ đông). Đền thờ ông được dựng lên ở nhiều nơi như quê hương Đường Lâm (Sơn Tây) đình Quảng Bá (Tây Hồ), đình Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), đình làng Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, ngoại thành Hà Nội với lễ hội được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch.

Tại xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình có ba ngôi đền thờ Bố Cái Đại Vương trong đó đền Cổ Hạc được coi là đền chính, tương truyền ông mất tại đây. Các di tích khác như đình làng Vũ Đại và đình làng Đồng Xuân ở xã Gia Xuân hay đình Vũ Nhì ở xã Gia Trấn, Gia Viễn cũng là nơi thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.

Sau này đất Đường Lâm quê ông còn xuất hiện một vị vua nữa là Ngô Quyền, người đánh bại cuộc xâm lược của Nam Hán, chấm dứt 1.000 năm Bắc thuộc (938). Do vậy Đường Lâm còn được biết đến với tên gọi "Đất hai Vua".

Tại làng Triều Khúc, ông được thờ là thành hoàng của làng. Do đó, dân làng kiêng húy họ tên của ông, và không dùng chữ Phùng hoặc chữ Hưng khi đặt tên con cháu, đồng thời kiêng húy cả chữ Bố trong tên hiệu của ông (Bố Cái Đại Vương) khi người con gọi người cha.[29]

Tên ông còn được đặt cho các tuyến phố và ngôi trường ở Hà Nội, thành phố Ninh Bình, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá[sửa | sửa mã nguồn]

Theo Lê Tung viết trong Việt giám thông khảo tổng luận: Phùng Bố Cái là người anh hào ở Đường Lâm ghét sự tàn ngược của Chính Bình, anh em thừa thời quật khởi cứu dân dẹp loạn, ban đức lập công, có thể gọi là bậc vua nhân hậu. Tiếc rằng con trai là An không giữ nổi được cơ nghiệp, do Phá Cần lập nên, rồi đầu hàng Triệu Xương; tuy có Đỗ Anh Hàn là bề tôi mưu việc nước, cũng không cứu vãn được sự bại vong của họ Phùng.[30]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Nguồn cổ sử[sửa | sửa mã nguồn]

  • Việt điện u linh, Soạn giả Lý Tế Xuyên, Dịch giả Lê Hữu Mục, Nhà xuất bản Dâng Lạc
  • Việt sử tiêu án, Soạn giả Ngô Thì Sĩ, Dịch giả Hội Việt Nam Nghiên cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu, Nhà xuất bản Văn Sử 1991
  • An Nam chí lược, soạn giả Lê Tắc, Nhà xuất bản Viện đại học Huế, 1961
  • Đại Việt Sử ký Toàn thư
  • Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục

Nguồn hiện đại[sửa | sửa mã nguồn]

  • Đào Duy Anh (1975). Chữ Nôm: Nguồn gốc, Cấu tạo, Diễn biến. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
  • de Francis, John (1977). Joshua A. Fisheman (biên tập). Colonialism and Language Policy in Viet Nam [Chủ nghĩa thực dân và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam]. Den Haag, ParisNew York: De Gruyter. ISBN 90-279-7643-0.
  • Nguyễn Tài Cẩn (1996) [1994]. Cao Xuân Hạo biên dịch. “Về cách đọc tước hiệu Bố Cái Đại Vương”. Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ. Huế: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế. — In trong Nguyễn Thiện Giáp biên tập (2001). Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự, và văn hóa. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. tr. 42–47.
  • Taylor, Keith W. (1983). The Birth of Vietnam [Sự khai sinh của Việt Nam]. Berkeley, Los AngelesLondon: Nhà xuất bản Đại học California. ISBN 978-0-520-07417-0.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần.
  2. ^ Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục
  3. ^ Đào Duy Anh 1975, tr. 42.
  4. ^ Nguyễn Đồng Chỉ 1970, tr. 43.
  5. ^ de Francis 1977, tr. 22.
  6. ^ a b Nguyễn Tài Cẩn 1996.
  7. ^ a b Đại Việt sử ký toàn thư, Soạn giả Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên..., Dịch giả Viện Sử học Việt Nam, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội, 1993.
  8. ^ a b c d e f Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên ReferenceA
  9. ^ a b c Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Hóa Á Châu 1991
  10. ^ Tên châu cổ, thời Đường là vùng Sơn Tây, Phú Thọ.
  11. ^ Theo bia Quảng Bá - BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG PHÙNG HƯNG - Lê Văn Lan[liên kết hỏng]
  12. ^ Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr. 174.
  13. ^ Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr. 175.
  14. ^ “Làng Đường Lâm - Hà Tây: Đất hai vua”. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2009.
  15. ^ Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr. 173.
  16. ^ Lê Hữu Mục (dịch) (1961). Lĩnh Nam chích quái. Sài Gòn: Nhà xuất bản Khai Trí. tr. 77.
  17. ^ Lê Hữu Mục (dịch) (1959). Việt điện u linh tập. Sài Gòn: Nhà xuất bản Khai Trí. tr. 62.
  18. ^ Lê Hữu Mục (dịch) (1961). Lĩnh Nam chích quái. Sài Gòn: Nhà xuất bản Khai Trí. tr. 113.
  19. ^ Đỗ Hữu (杜佑) (801). Thông điển (通典) quyển 184.
  20. ^ Lưu Hú (劉 昫) (945). Cựu Đường thư (舊唐書) quyển 41.
  21. ^ Nhạc Sử (樂史) (983). Thái Bình hoàn vũ kí (太平寰宇記) quyển 171.
  22. ^ Âu Dương Tu (歐陽修) và Tống Kì (宋祁) (1060). Tân Đường thư (新唐書), quyển 43 thượng.
  23. ^ Âu Dương Văn (歐陽忞) (1117). Dư địa quảng kí (輿地廣記), quyển 38.
  24. ^ Cố Tổ Vũ (顧祖禹) (1692). Độc sử phương dư kỉ yếu (讀史方輿紀要) quyển 112.
  25. ^ Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam (1961). An Nam chí lược. Viện Đại học Huế. tr. 97.
  26. ^ Đào Duy Anh (1964). Đất nước Việt Nam qua các đời. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học. tr. 99.
  27. ^ Ngô Mạnh Nghinh (dịch) (1959). Phương đình dư địa chí. Sài Gòn: Nhà xuất bản Tự Do. tr. 242.
  28. ^ Đào Duy Anh (1964). Đất nước Việt Nam qua các đời. Hà Nội: Nhà xuất bản Khoa học. tr. 79.
  29. ^ Cả làng không ai được gọi bố bao giờ
  30. ^ Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, 1998, tr. 121, tập 1.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]


Lỗi chú thích: Đã tìm thấy thẻ <ref> với tên nhóm “lower-alpha”, nhưng không tìm thấy thẻ tương ứng <references group="lower-alpha"/> tương ứng, hoặc thẻ đóng </ref> bị thiếu